[Fiction] Nhiều năm về sau

Đầu năm mới, đăng một fic cũ (づ  ̄ ³ ̄)づ~♥

Title: Nhiều năm về sau

Author: Krisentai (hay Kroney, đều là tớ)

Rating: T

Summary: Thanh xuân chỉ đơn giản là một khoảng thời gian trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng dù trải qua những năm tháng ấy một cách hạnh phúc hay đau thương, êm đềm hay sóng gió, kỳ lạ thay, đó lại là quãng thời gian mà nhiều năm về sau, người ta vẫn còn nhắc mãi. Thanh xuân là không thể quên được.

~~~~~~~~……~~~~~~~~~

Tôi không phải một học sinh lúc nào cũng nhớ kỹ những lời của giáo viên, nhưng chẳng hiểu sao từng câu từ mà thầy đã nói trong buổi sáng cuối cùng ngày hôm ấy, dù năm tháng đổi thay, vẫn chẳng thể nào quên. “Nguyên tắc là các em đi đâu, làm gì đều phải nhớ về cái gốc, giống như vec tơ vậy. Mà với con người, gốc chính là những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời. Thầy tin mỗi người các em mai sau, khi nhắc đến quá khứ, sẽ vô thức nhớ về quãng thời gian học ở ngôi trường này, như những kỷ niệm đẹp đẽ cho một thời thanh xuân khó quên.” Khi ấy, đứa nào cũng cười thầy bỗng nhiên văn vẻ quá, chỉ có thầy yên lặng nhìn xuống lớp, ánh mắt xa xăm như xuyên thấu cả bốn bức tường lớp học nhỏ bé, tìm đến một cõi xa xôi nào đó. Tôi tự hỏi phải chăng thầy đang tìm về “cái gốc” của chính mình.

Minh Huy thả cặp, chưa kịp ngồi xuống đã bị tên bạn thân lâu năm, ngồi phía trên cách một dãy bàn, chồm xuống hỏi thăm: “Thế nào? Ông đá nhỏ kia rồi à?”

Thanh niên mười tám sức lực tràn trề, mới sáng sớm đã chạy đi đá bóng, đến tận sáu giờ mới lật đật về nhà chuẩn bị đi học, trên mái tóc ướt vẫn còn thoang thoảng hương dầu gội. An Thịnh nằm bò lên bàn, vẻ mặt tò mò nhìn Minh Huy. Còn Minh Huy, đương lúc né tránh ánh mắt cậu ta lại vô tình bắt gặp đôi tai đang đỏ dần lên của cô bạn bàn trên vốn đanh đá. “Hai đứa đều mười hai rồi. Chia tay vui vẻ, cũng chẳng phải ai đá ai.”

An Thịnh “chậc” một tiếng trước câu trả lời chẳng mấy thú vị của Minh Huy. Rồi như chưa thỏa mãn, cậu ta rướn tới gần hơn, nở nụ cười tinh nghịch: “Lo gì, thi rớt thì gả cho anh này.”

“May quá, có anh nuôi rồi, vậy lát tôi đi nối lại tình xưa,” Minh Huy tỉnh bơ đáp trả.

An Thịnh trề môi: “Nói chơi thôi, cỡ như ông làm sao rớt được.” Ngừng một lúc, cậu ta lại bổ sung: “Nhưng nếu có cần tôi nuôi thật thì…”

Không đợi cậu ta nói hết câu, Minh Huy đã rút ra cuốn bài tập lịch sử. “Lát kiểm tra lấy điểm mười lăm phút.”

Không ngoài dự liệu, người nào đó hoảng hốt giật lấy quay lên vội vàng chép. Chẳng còn ai quấy nhiễu, Minh Huy lấy từ trong cặp ra quyển sách giáo khoa Hóa học, ngáp dài nhìn màu đỏ nhạt dần trên đôi tai nhỏ xinh nọ.

Thời còn đi học, ít ai tránh được những cơn cảm nắng chợt đến, chợt đi như thế. Đôi lúc chỉ vì một nụ cười, một ánh mắt, hay đơn giản là hương dầu gội ai đó hay dùng mỗi sáng, tươi mát, nhẹ nhàng mà vương vấn, quấn quýt mãi không thôi. Để nhiều năm sau ngồi nhớ lại, có người cười xòa, có người nuối tiếc, cũng có người khắc cốt ghi tâm như minh chứng đẹp đẽ cho một thời áo trắng tinh khôi, lấp đầy bởi những tâm tư mà bản thân ngày sau chẳng thể nào hiểu nổi.

Đầu mùa hạ, cũng là thời điểm bắt đầu mùa thi. Thi học kỳ, thi chuyển cấp, và đối với học trò mười hai thì đây là thời điểm nước rút cho một cuộc thi lớn trong đời – thi đại học. Những quán net ven đường ngày thường đông đúc, tấp nập là thế, nay bỗng nhiên thưa thớt hẳn. Ông chủ ngày thường tất bật là thế, hết lau dọn, bật máy, thu tiền, thỉnh thoảng đôi co với vài vị phụ huynh đến mắng chửi, nay cũng ngán ngẩm ngồi trước quạt, nghe chuyên gia phân tích xu hướng ra đề thi năm nay. Còn một nơi vốn vắng vẻ và yên tĩnh như thư viện bỗng trở nên đông đúc lạ thường. Mỗi mùa thi đến, đám học trò lại hẹn nhau ra thư viện, vì nơi đó rộng rãi, mát mẻ, nhiều sách, hoặc đơn giản chỉ vì ngồi học chung cho có không khí. Cũng vì cái “không khí” ấy, mà cậu con trai mười tám sức lực tràn trề nào đó phải hì hục đạp xe dưới cái nắng hè oi ả, để đến kịp cái hẹn “ra thư viện học cho vui” của thằng bạn thân. Nhưng cuối cùng vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy cậu ta nằm dài trên bàn, sách cũng bị ném ra sau đầu. “Không học nữa, không học nữa! Quá tải rồi!”

Minh Huy cúi xuống nhặt quyển sách Ngữ văn vừa bị An Thịnh ném đi, rồi quay lên đẩy đẩy cậu ta, hất cằm ý bảo nhìn về phía sau. Nhưng người nào đó vẫn không hề hay biết tội lỗi mình vừa gây ra, còn tiếp tục càm ràm: “Ông nhặt về làm gì, vứt luôn đi. Truyện viết ra đọc chơi là được, phân tích kỹ lưỡng làm gì cơ chứ?”

Lần này, Minh Huy thẳng tay xoay đầu cậu ta ra sau. An Thịnh vừa quay sang đã bắt gặp ánh mắt như toé lửa của cô bạn mới bị sách đập trúng đầu, cậu ta cũng không chịu thua mà trừng mắt nhìn lại, rồi làm bộ nói nhỏ vào tai Minh Huy, nhưng lời nói ra lại vừa đủ để cô bạn nghe thấy: “Mấy bà lớp Văn, văn vẻ cho lắm, chẳng ai thèm yêu.”

Nói rồi, hai ông còn trai liền không khách sáo mà đập bàn cười to, không những chọc cho cô bạn tức đến xịt khói, mà còn thu hút được vô số cái lườm mắt từ bốn phương tám hướng đổ về. Đến lúc cô thủ thư tiến tới nhắc nhở, mới cuống quýt xin lỗi, nhưng khoé mắt vẫn còn loang loáng ý cười, cũng chẳng rõ là đã thành tâm hối lỗi hay chưa. Sau khi cô thủ thư đi rồi, An Thịnh mới thè lưỡi: “Thôi không học Văn nữa, lỡ có rớt tốt nghiệp, ăn bám ông cả đời cũng được.”

Rồi căn phòng chợt khôi phục lại sự an tĩnh như lúc ban đầu.

Buổi chiều mùa hạ, tuy chưa thể gọi là mát mẻ, nhưng cũng đủ để người ta cảm thấy khoan khoái trong lòng. Sân bóng nhỏ phía sau Nhà văn hoá Lao động, mỗi buổi chiều đều được mấy CLB của các trường cấp ba thuê đấu vài trận giao hữu. Gọi là đấu giao hữu cho oai thế thôi, thật ra chỉ là đá vài ba trận cho vui. Những lúc như thế cũng có mấy cô gái điệu đà son phấn, xúng xính váy đầm đến cổ vũ. Phải chăng vì được người đẹp đến xem mà trong lòng hồi hộp, thay vì chuyền bóng cho đồng đội, lại vụng về sút một cú bay thẳng về phía khán đài. Mấy cô gái hét toáng lên, vội vàng ôm lấy mặt. Một cô xui xẻo bị bóng sượt qua đầu, tuy chẳng sứt mẻ gì, nhưng cũng doạ cho cô nàng hoảng sợ đến phát khóc.

Chứng kiến một màn đó, An Thịnh phì cười: “Đúng là bọn con gái, vậy mà cũng khóc.” Vừa nói, An Thịnh vừa tăng tốc khi thấy đèn tín hiệu sắp chuyển sang vàng. Minh Huy cũng đạp nhanh theo cậu ta. Sân bóng đã khuất phía sau mà tiếng cô gái vẫn còn văng vẳng: “Tôi có ế cả đời cũng không thèm để ý đến cậu!”

Thường khi còn trẻ, người ta vẫn thích nói chuyện cả đời, có lẽ vì thời gian còn dài, chuyện tương lai đâu ai biết hết được, nên có thể vô tư mà nói. Để thật lâu về sau, khi cái thời hạn “cả đời” ấy đến, lại cười xoà coi đó là một câu bông đùa của tuổi trẻ ngây ngô. Tôi lại không thích như vậy. Nhiều khi với một người chỉ là câu nói vui tai, nhưng trong lòng kẻ khác lại giống như một ước hẹn dài lâu. Tôi không ngại chờ đợi, nhưng trong thâm tâm vẫn luôn sợ hai chữ “cả đời” ấy. Dẫu biết chỉ là một câu đùa nhạt như gió thoảng, nhưng chẳng hiểu sao lại không cách nào quên được.

Chớp mắt một cái, kỳ thi đại học đã đến ngay trước cửa. Nhận phòng, lấy thẻ dự thi, chỉ vài công tác chuẩn bị đơn giản đã chiếm hết cả một ngày. Đêm trước ngày thi đầu tiên, Minh Huy không sao ngủ được. Dù biết đã ôn tập kỹ lưỡng, nhưng vẫn ngờ ngợ bản thân còn bỏ sót điều gì. Rồi vô số câu hỏi lại thi nhau nảy ra trong đầu. Mai đề sẽ thế nào? Giờ này tuần sau tâm trạng mình sẽ ra sao? Nghĩ mãi, nghĩ mãi mới thiu thiu được một chút, lại bị tiếng gà gáy phía đồn công an làm cho giật mình. Thành ra một đêm thức trắng.

Mấy ngày thi, trời nắng như đổ lửa. Cô giám thị vừa ký vội xấp giấy thi, vừa lo lắng, hết nhìn đám học trò, lại nhìn lên hai cái quạt trần cọt kẹt phả ra hơi nóng. Trong phòng thi, có người ngồi thiền, có người gục mặt xuống bàn, có người lo kiểm tra bút thước, cũng có người tranh thủ làm quen với các thí sinh bên cạnh. Kể cũng lạ, rõ ràng đã hẹn nhau, nếu có cùng đề, thì một ngón tay là câu A, hai ngón tay là câu B,… nhưng đến lúc hồi trống tính giờ làm bài ấy vang lên, lại chẳng kịp gọi nhau lấy một lần. Mãi đến khi có tiếng trống thu bài, mới quăng bút ngước lên nhìn nhau cười nhẹ nhõm. Trước khi thi đã dặn nhau khi làm xong không được dò đáp án, vậy mà đến lúc nhìn thấy bóng dáng thân quen nọ, lại không nhịn được mà hỏi nhau: “Ông khoanh câu nào?” Một đám học trò áo trắng quần tây, tụm năm tụm ba, cãi nhau đến mặt đỏ tai hồng, nhiều lúc còn văng tục đôi câu. Thầy giám thị trông thấy cũng chỉ lắc đầu cười cười, vội vàng ôm xấp bài thi khuất bóng sau dãy hành lang dài huyên náo.

Chuyện bên ngoài trường thi cũng thú vị không kém. Lúc bên trong đang tính giờ làm bài, ai cũng muốn ghé đầu vào tán cây bé nhỏ bên hông trường, nhưng vừa nghe trống báo hết giờ, lại chen nhau ùa ra phía cổng, không ngại nắng, không ngại nóng, chỉ mong có thể nhanh chóng nhìn thấy nụ cười của đứa nhỏ nhà mình trong đám sĩ tử mặt ủ mày chau bên cạnh. Công sức mười hai năm đèn sách, cuối cùng gói gọn trong hai ngày ngắn ngủi như thế. An Thịnh từng nói với Minh Huy: “Không ngờ thi đại học cũng hay ho phết.”

Nhưng rớt đại học lại là điều không ai muốn trải qua trong đời.

Rớt đại học là điều không ai muốn trải qua trong đời. Giống như tương lai tốt đẹp đang ở ngay trước mắt, nhưng có lẽ vì đã quá nôn nóng mà bước hụt một bước, thành ra rơi xuống vực thẳm. Tôi không đau buồn, không tự trách, cũng không tuyệt vọng. Chỉ cảm thấy mệt mỏi. Đã từng nỗ lực nhiều như thế, hy vọng nhiều như thế, nhưng những thứ ấy bây giờ lại như đá đeo dưới chân. Tự thấy chính mình thực sự kém cỏi, vô lực khi nghĩ về những ngày sau, còn phải cố gắng bao nhiêu, hy vọng bao nhiêu lần nữa đây? Cảm giác bản thân chìm dần vào làn nước tối, nhưng chẳng còn sức đâu để mà vùng vẫy. Nếu có thể cứ như thế này nhắm mắt ngủ thiếp đi, không bao giờ tỉnh dậy nữa thì tốt biết mấy.

Những ngày qua, ti vi, đài báo không ngừng đưa tin chúc mừng các tân sinh viên. Trên mạng cũng tràn ngập bài viết, những câu chuyện rằng “Đại học không phải là tất cả”, rằng “Có những thành công không cần đến tấm bằng đại học”. Thế nhưng một kẻ như tôi, không năng lực cũng chẳng nhiều hoài bão, thì đại học dường như lại là con đường duy nhất.

Br… Br… Br… Tiếng điện thoại rung đến hồi thứ năm mới có người bắt máy, đầu dây bên kia truyền đến giọng nói hồ hởi của An Thịnh: “Giờ này mà còn ngủ hả? Dậy đi. Ra LaBe làm vài ván với anh em, tôi là tôi ngứa mắt mấy thằng nhóc lớp Lý lắm rồi.”

“Nghe nói đậu rồi hả, chúc mừng nha. Tôi lần này xui xẻo rồi,” Minh Huy im lặng một lúc rồi quyết định đổi đề tài.

“Thôi kệ đi, chỉ 0.5 điểm thôi mà, ông cũng đừng buồn làm gì. Coi như ăn chơi hưởng thụ một năm.” Lời nói ra nghe có vẻ lưu loát, nhưng chỉ mấy câu đơn giản như thế, cũng không biết đã sửa đi sửa lại bao nhiêu lần.

“Còn nhớ mấy lời ông nói hôm đi thư viện không?” Im lặng một lúc, vẫn không thấy đầu dây bên kia đáp lời, Minh Huy hít một hơi dài: “Truyện người ta viết ra, đọc chơi là được, sao phải phân tích kỹ lưỡng làm gì. Tôi khi đó cũng nghĩ như vậy, mấy ngày này ở nhà ngẫm lại, càng nghĩ càng thấy đúng. Con người ấy mà, thật ra rất bận rộn và ích kỷ. Tôi với ông ấy mà, thật ra…”

Minh Huy nói liền một hơi dài, mỗi từ nói ra là một lần cảm thấy hơi thở hụt đi một nhịp. Đến cuối cùng cũng chẳng nói nổi nữa, chỉ có thể như người hết hơi mà ngừng lại thở dốc. Câu nói cứ thế bị bỏ lửng, “thật ra” thế nào cũng chẳng ai biết được. Cuộc nói chuyện cứ như vậy mà kết thúc trong im lặng.

Đọc một câu chuyện, bạn viết bạn buồn, tôi biết bạn buồn; bạn nói bạn thể hiện nỗi buồn trong cảnh vật, tôi lại chẳng thể nhìn thấy; đến khi bạn chỉ ra nỗi buồn của bạn ẩn giấu trong màn mưa, tôi mới à một tiếng vỡ lẽ. Đến cuối cùng, tôi vẫn chỉ biết bạn đang buồn. Con người ấy mà, thật ra rất bận rộn. Chúng ta lo nghĩ về cuộc sống, chăm chút cho câu chuyện đời mình, đâu ai rảnh rang mà thấu hiểu cho trọn tâm tư kẻ khác. Lại nhớ một câu chuyện cũ. Lúc trái bóng lao tới, ai cũng giật mình che chắn cho bản thân trước tiên, vì đó là phản xạ, cũng là bản năng. Con người ấy mà, thật ra rất ích kỷ.

Buổi sáng mùa thu, tiết trời se se lạnh. Ngày khai giảng năm học đã là chuyện của tháng trước, một mùa hè sôi nổi và nhiều biến động đã trôi qua không chút dấu vết. Bảy giờ sáng, thư viện vẫn chưa có bóng người. Bước trên dãy hành lang dài vắng lặng, nhìn ra khoảng sân rơi rụng đầy lá khô như đã lâu chưa được ai quét dọn, chẳng hiểu sao lại cảm thấy hơi cô đơn. Minh Huy thả chậm bước đi, dõi mắt tìm kiếm tiếng chim ríu rít trên những nhành cây bàng lá đỏ. Qua hết dãy hành lang rồi quẹo phải là đến phòng đọc, nhưng phía cuối dãy hành lang ấy, lại nhìn thấy một người. Cậu ta hơi cúi đầu tựa lưng vào tường, một tay đút trong túi áo khoác, tay còn lại miết nhẹ dây ba lô. Cảm giác cậu ta đứng đó đã lâu, trên mái tóc ngắn còn loang loáng màu nắng từ ô cửa sổ phía trên đầu. Nghe thấy tiếng bước chân, An Thịnh chợt nhìn lên, nhe răng cười: “Tôi biết thế nào ông cũng tới sớm mà.”

“Sao ông lại ở đây!?”

Ngày nhập học đã qua được cả tháng rồi, không lý nào một người đã đậu đại học lại còn quanh quẩn ở nơi này. “Đang chờ ông đến ôn thi chung nè,” An Thịnh hồ hởi chạy đến kéo tay Minh Huy hướng về phía phòng đọc.

“Đợi chút đã, ông đậu rồi mà, còn ôn cái gì nữa,” càng nói, vẻ mặt càng mờ mịt.

An Thịnh dừng lại, đưa tay gãi gãi trán, hết nhìn Minh Huy lại nhìn xuống đất. “Thì ở lại học chung với ông cho vui.”

“Đừng có điên!” Một cơn tức giận đột nhiên xông tới, Minh Huy cũng chẳng còn tâm trí đâu mà để ý đến lời vừa nói ra có hơi to tiếng.

“Từ từ nghe tôi nói hết đã nào.” An Thịnh đảo mắt nhìn quanh, khi đã chắc rằng sẽ không có một cô thủ thư nào bước ra mới thở phào nhẹ nhõm, quay lại đối diện với ánh mắt lo lắng của Minh Huy. “Ông cũng biết mà, tôi thích vẽ, nhưng chỉ là vẽ chơi thôi. Tôi thích vẽ mèo, vẽ gấu, vẽ ông, vẽ mấy bà chằn trên lớp, nhưng tôi không thích vẽ nhà. Ba nói tôi thi kiến trúc, tôi cũng nộp kiến trúc, cũng như người ta ôm cặp đi học vẽ, rồi chẳng hiểu ăn may thế nào lại đậu.” Ngập ngừng nhìn Minh Huy một chút, An Thịnh tiếp lời: “Ông rớt đại học, chắc buồn lắm ha? Còn tôi đậu rồi, cũng chẳng vui gì. Mấy ngày sau khi biết kết quả, tôi cứ luôn nghĩ liệu mình đã làm đúng hay sai. Sau khi tôi gọi điện cho ông mới biết, hoá ra mình sai rồi. Sai bét nhè!”

“Cho nên…?”

Vẻ mặt An Thịnh chợt dịu đi. Mới một tháng không gặp, lại có ảo giác như đã nhiều năm dài đằng đẵng trôi qua. Thằng bạn choai choai ngày nào, dường như đã là một người trưởng thành thực thụ. “Cho nên tôi sẽ suy tính kỹ lưỡng cho cuộc đời mình, sẽ làm điều mình muốn. Tôi muốn học y, muốn làm bác sĩ. Ai cũng nói tôi điên, đậu được trường tốt như thế, cuối cùng lại bỏ, nhưng bọn họ đâu có hiểu. Mà thôi, chỉ cần ba mẹ ủng hộ tôi là được. Thấy không, hai đứa mình hợp nhau như thế, có cùng ước mơ cũng là chuyện thường tình.”

“Ra vậy, làm tôi mất công tưởng bở, tưởng ông vì tôi mà từ bỏ con đường công danh.” Minh Huy cười cười.

An Thịnh cũng cười: “Cái đồ chết tiệt nhà ông, hôm trước bày đặt văn vẻ, hại tôi phải suy nghĩ cả tháng trời.”

“Suy nghĩ cái gì?” Minh Huy lại mờ mịt.

“Còn nhớ mấy lời tôi nói trong thư viện hồi hè không?”

“À, hình như tôi quên mất rồi.” Minh Huy lẩn tránh ánh mắt An Thịnh, chỉ biết nhìn chằm chằm vào cây bàng già nằm lẻ loi trong góc thư viện. Sao mà quên được, khi ấy đã nghĩ đi nghĩ lại không biết bao nhiêu lần, rồi trong một phút xúc động, lại nói ra hết thảy. Cũng vì lý do đó mà cả tháng trời không dám gặp cậu ta lấy một lần.

An Thịnh cũng không nhắc lại chuyện cũ, chỉ hắng giọng: “Cả tháng qua, tôi đã nghĩ đi nghĩ lại chẳng biết bao nhiêu lần, càng nghĩ càng thấy sai. Ông nói xem, mấy bà lớp Văn ấy, nào có ai bắt ép, mà lúc nào cũng đọc thật kỹ, rồi viết ra nhiều bài phân tích thật hay đó thôi.” Rồi An Thịnh dừng lại, một lúc sau cũng không nói gì thêm. Đến khi Minh Huy không chịu nổi nữa mà quay đầu lại, mới bắt gặp nụ cười của cậu ta. “Nếu là một câu chuyện hay, một câu chuyện mà mình thích, hiểu càng nhiều thì càng tốt chứ sao.”

Minh Huy không nhìn cây nữa, ánh mắt như bị nụ cười kia thu hút. Rồi cậu cũng phì cười, có lẽ vì cười nhiều quá, mà cảm thấy cơ mặt nóng hổi.

Nghe ngoại kể rằng trước đây, trong nhà có trồng một cây xoài rất lớn, cành lá xum xuê, toả bóng mát xuống một khoảng sân rộng. Có lần, một người anh họ xa quê ghé thăm. Đương lúc ngồi xơi nước thì nhìn thấy anh em ngoại cởi trần, chạy chân đất giữa trời nắng, trên tay là một rổ đầy ắp xoài thơm. Người anh hết nhìn đám nhỏ ngoại, lại nhìn lên cây xoài, vừa nhìn vừa khen: “Mùa này mà có cây xoài to thế kia, ngắm cũng thật mát con mắt.” Sau đó, người anh xuất ngoại, thật lâu cũng không về nữa.

Mới năm ngoái, anh họ ngoại được con cháu đưa về nước. Ông cụ đã gần đất xa trời, cũng nên an nghỉ nơi quê cha đất tổ. Lần ấy, ông có ghé qua nhà tôi. Nghe nói ông cụ bị bệnh mất trí nhớ của tuổi già, câu sau vừa nói câu trước đã quên, cũng chẳng trò chuyện được nhiều. Nhưng tôi lại thấy lần đó ông nói rất nhiều. Ông hỏi về cây xoài, ngoại nói rằng cây xoài ấy chặt đi đã lâu. Một lúc sau ông lại hỏi về cây xoài, ngoại cũng kiên nhẫn trả lời như thế. Cùng một câu hỏi, cùng một nội dung, lặp đi lặp lại cho đến lúc chia ly. Tới khi ô tô đã lăn bánh, tôi thấy ông vẫn ngoái đầu nhìn lại, như đang tìm kiếm một bóng cây năm nào.

Khi còn trẻ, có những hình ảnh, những khoảnh khắc vô tình lướt qua trong đời, nhưng lại hằn sâu vào trong trí nhớ, để nhiều năm về sau, khi đã già nua tóc bạc, khi chẳng còn nhớ được gì, khi tìm về chốn cũ, lại một lần nữa hiện ra trong đáy mắt, rõ ràng và vẹn nguyên như thuở ban đầu. Không hiểu sao tôi vẫn luôn tin rằng, nhiều thật nhiều năm về sau, khi đã trở thành một ông già được con cháu chở về quê chờ chết, nếu có đi ngang qua nơi này, sẽ vô thức nhớ về một góc sân phủ đầy lá bàng đỏ, cùng nụ cười ai đó ấm áp giữa tiết thu se lạnh.

Tám năm sau.

An Thịnh bước ra từ phòng bếp, chán nản nhìn người còn đang đứng trước gương. “Đẹp trai lắm rồi, đừng soi nữa. Không ra ăn sáng là muộn làm bây giờ.”

“Không biết bác sĩ càng đẹp trai càng giỏi à?” Minh Huy chỉnh chỉnh cổ áo, nhe răng cười với chính mình trong gương.

“Biết chứ.”

“Sao cơ?” Minh Huy ngạc nhiên nhìn An Thịnh, không ngờ một câu đùa nhạt nhẽo của mình lại được đối phương đáp trả nghiêm túc đến thế.

“Bởi vì anh đây vốn rất giỏi mà.”

Rồi cả căn phòng chợt rộn vang tiếng cười.

Thời còn ở đại học, trong giờ giải lao, có lần Giáo sư đặt câu hỏi: “Người già và người trẻ, đối tượng nào cười nhiều hơn?” Khi đó có anh bạn xung phong, nói rằng mình từng đọc một bài khảo sát, trong đó cho thấy rằng người già, đặc biệt những người từ năm mươi lăm tuổi trở lên thường cười nhiều hơn. Bởi khi ấy, con người ta đã không còn bận tâm về những mối lo trong cuộc sống, những áp lực trong công việc, có thể vui vẻ mà hưởng tuổi già an nhàn. Có thể đúng là như vậy, có thể người trẻ cười ít hơn, nhưng tôi lại cảm thấy dường như nụ cười của họ thú vị hơn nhiều.

 

HẾT

1 thought on “[Fiction] Nhiều năm về sau

  1. Hồi trước, “Nhiều năm về sau” và “Tiểu Hồng” là hai đứa con mình tự hào nhất. Lúc mới viết ra đăng cũng có mấy bạn đọc rồi khen làm mình ảo tưởng, xong mình tự thấy đã chôn đủ hint rồi mà sao không ai nhận ra ý đồ ẩn giấu trong câu chuyện của mình. Cho đến hôm nay, sau hơn 6 năm mình viết ra câu chuyện này. Mình đọc lại và trong một khoảnh khắc mình bỗng không biết ý đồ của mình năm đó là gì luôn :))) Vậy mới nói đôi khi người sáng suốt nhất là độc giả. Họ có thể không nhìn thấu ý đồ của ta, nhưng tiếng nói của họ đại diện cho đám đông, là đánh giá chân thực nhất cho cách ta biểu đạt ý đồ có đủ tinh tế hay chưa. Thực sự là năm đó mình rất tự hào, nhưng giờ nhìn lại thì có nhiều chỗ cần sửa chữa phết, cũng muốn lắm mà hơi lười.

Leave a comment